Bộ Tài chính: Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu xuống mức sàn

26/11/2024 02:48

Thời gian tới, để góp phần giảm đà tăng giá xăng dầu, Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức sàn.

Theo đó, trung bình mỗi lít xăng dầu sẽ giảm từ 550-1.100 đồng tùy từng loại. Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

crawl-20220616204609644.jpg?width=700

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn. Ảnh: Đức Minh/BNEWS/TTXVN

BNEWS:Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu có biến động rất lớn. Bộ Tài chính có biện pháp gì để bình ổn giá mặt hàng này, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn: Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu thế giới đã có những biến động hết sức phức tạp do ảnh hưởng bởi sự biến động quân sự ở Ukraina cùng với sự phục hồi của các nền kinh tế lớn sau đại dịch COVID-19. Bộ Tài chính là cơ quan thường trực quản lý giá cho Chính phủ cũng rất lo lắng sự tác động của giá xăng dầu đến thách thức trong kiểm soát lạm phát năm 2022.

Cùng với các giải pháp khác để ổn định giá xăng dầu trong thời gian qua, giảm thiểu tiêu cực trong tăng giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số chính sách về thuế để giảm giá xăng dầu.

Theo đó, Bộ Tài chính đã kịp thời tham mưu trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; điều chỉnh giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ ethanol), dầu diesel, dầu nhờn và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Nếu giữ nguyên các yếu tố khác trong giá cơ sở, việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường góp phần giảm giá xăng dầu trong nước từ 770 đồng/lít đến 2.200 đồng/lít tùy từng mặt hàng. Cụ thể, xăng khoáng giảm 2.200 đồng/lít; dầu diesel, madut giảm 1.100 đồng/lít; dầu hỏa giảm 770 đồng/lít.

Tuy nhiên, theo thời gian qua, giá xăng dầu thế giới tiếp tục có biến động và hiện nay Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn xuống bằng mức sàn trong Khung mức thuế bảo vệ môi trường.

Cụ thể, xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít, nhiên liệu bay  từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít, dầu diesel từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít, dầu mazut, dầu nhờn từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít, mỡ nhờn từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg, dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế

Nếu giữ nguyên các yếu tố khác trong giá cơ sở, việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường góp phần giảm giá xăng dầu trong nước từ 550 đồng/lít đến 1.100 đồng/lít tùy từng mặt hàng; xăng khoảng giảm 1.100 đồng/lít; dầu diesel giảm 550 đồng/lít; dầu madut giảm 770 đồng/kg, làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2022 khoảng 7.000 tỷ đồng.

Theo tính toán của Bộ Tài chính thì giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước nhưng cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, khi chúng ta kiểm soát được đại dịch, tổng thể thu ngân sách nhà nước năm 2022 đến nay đã đạt hơn 60% so với dự toán được giao. Vì vậy trong cân đối chung, ngân sách nhà nước sẽ đảm bảo, bù đắp được các khoản giảm cho giảm thuế bảo vệ môi trường.

Trước mắt Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giảm trong năm 2022. Đến cuối năm 2022, chúng ta sẽ đánh giá lại tổng thể tình hình giá xăng dầu.

BNEWS: Thưa thứ trưởng, thời gian tới Quỹ Bình ổn giá xăng dầu sẽ thực hiện như thế nào?

Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang dự thảo sửa đổi Luật Giá theo nguyên tắc kiên trì thực hiện nguyên tắc thị trường. Chúng tôi đang xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các cá nhân liên quan đối với Luật Giá sửa đổi.

Đối với bình ổn giá, chúng ta có 7 giải pháp để thực hiện, lập Quỹ Bình ổn giá là 1 trong 7 giải pháp này.

Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều ý kiến khác nhau về thành lập Quỹ Bình ổn giá; trong đó, có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Trong dự thảo Luật Giá sửa đổi hiện nay, Bộ Tài chính đưa phương thức Quỹ Bình ổn giá ra khỏi Luật Giá để xin ý kiến các tổ chức, cá nhân liên quan. Sau khi có ý kiến, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ và báo cáo Quốc hội để sửa đổi Luật Giá.

Thực chất Quỹ Bình ổn giá xăng dầu này là trích từ người tiêu dùng. Trong thời gian qua đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Để phù hợp và tiến tới nguyên tắc thị trường, chúng ta phải đảm bảo giá của xăng dầu phù hợp với nguyên tắc thị trường, cùng với đó sử dụng các nguyên tắc bình ổn giá khác, như về cung cầu, về thuế để ổn định giá xăng dầu là mặt hàng chiến lược.

crawl-20220616204610672.jpg?width=700

Tăng dự trữ xăng dầu để bình ổn giá. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

BNEWS: Trước đà tăng mạnh của giá xăng, đã ý kiến cho rằng cần phải dự trữ xăng dầu để bình ổn thị trường về lâu dài. Thứ trưởng nhận định như thế nào về ý kiến này?

Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn: Chúng tôi đánh giá cao việc cần phải có đủ dự trữ xăng dầu để xử lý trong các tình huống khẩn cấp. Vừa qua, chúng ta đã có một bước trong việc dự trữ xăng dầu, tuy nhiên dự trữ xăng dầu của chúng ta còn mỏng, nên xăng dầu dự trữ tham gia bình ổn giá chưa có tác động tích cực.

Do đó, cùng với khả năng của ngân sách nhà nước và các doanh nghiệp, chúng ta phải tăng dự trữ xăng dầu để bình ổn giá. Tuy nhiên đây là vấn đề lớn.

Để đảm bảo ổn định về giá cũng như đảm bảo dự trữ các mặt hàng chiến lược như xăng dầu thì chúng ta cần tăng cường dự trữ xăng dầu.

Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã nghiên cứu để tăng mức dự trữ xăng dầu của nhà nước lên, cùng với đó là dự trữ của các doanh nghiệp. Sắp tới, chúng ta có thể hướng tới hợp tác quốc tế trong dự trữ xăng dầu để phòng ngừa những lúc có sự biến động lớn về xăng dầu trên thế giới.

Để dự trữ được xăng dầu, các nước cần có tiềm lực rất lớn, nó không phải chỉ trong lúc tăng giá mà cả trong khi có những biến động bất thường như chiến tranh. Các nước cũng có thể hợp tác với nhau như Nhật Bản có đề xuất hợp tác với các nước trong ASEAN để cùng hợp tác dự trữ xăng dầu và khi có dự trữ chung các nước trong khu vực thì tiềm lực dự trữ của các nước cũng tăng lên.

BNEWS: Xin cảm ơn Thứ trưởng.

(Theo: http://vietnambiz.vn/bo-tai-chinh-de-xuat-giam-thue-bao-ve-moi-truong-voi-xang-dau-xuong-muc-san-202261620510843.htm)