Ngọc Hân
Từ loài thủy sinh kỳ lạ ở dòng sông Cu Đê (Quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng), người dân đã làm nên món đặc sản bún sông. Món ăn dân dã ấy đang dần trở thành điểm nhấn độc đáo trong hành trình khám phá Đà Nẵng.
Đây là con bún mẹ, tuy không phải món ăn, cũng chẳng có giá trị thương phẩm… nhưng con bún mẹ này lại là khởi nguồn cho một đặc sản gắn bó với người dân sông Cu Đê bao đời nay.
Chiều xuống trên dòng Cu Đê (Q. Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), khi thủy triều bắt đầu rút cũng là lúc những người dân ven sông tất bật kéo nhau đi gỡ lưới, ngụp lặn để đón mùa “bún sông”. Đó là mùa của một loài thủy sinh đặc biệt mang đến nguồn sống cho người dân vùng Cu Đê và cũng là “đặc sản” đã, đang và sẽ góp phần níu chân du khách đến với vùng đất yên bình phía tây bắc Đà Nẵng này.
Bún sông xuất hiện theo mùa, chủ yếu từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch - khi nước sông ấm dần và hệ sinh vật dưới lòng sông bắt đầu sinh sôi. Những con có hình dạng dài, cuộn tròn như lọn bún thì gọi là bún con, khi mới sinh bún con thường có màu xanh nhạt để lâu sẽ ngả vàng. Ngược lại, con vật có kích thước to lớn, sần sùi và mềm hơn thì đó chính là con bún mẹ.
Theo người dân địa phương, bún mẹ thuộc họ với hải sâm, có thân mềm, màu xám đục, gai nhỏ quanh người và đặc biệt là có thể tiết ra chất dịch màu tím đen khi gặp nguy hiểm. Mỗi con bún mẹ có thể đẻ hàng nghìn trứng, sau đó dần tan rã trong nước. Chính vì vậy, khi nhận ra vai trò đặc biệt của “bún mẹ”, sau khi bắt được người dân thường chủ động thả lại chúng về với nước để tiếp tục những kì sinh sản tiếp theo.
Chị Bùi Thị Thanh – Phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng
“Con bún mẹ này thật sự không biết là một năm sản sinh được bao nhiêu lứa nhưng mà thường sản sinh một năm từ tháng 2 đến tháng 4, sau đó sẽ tan thành nước và cứ đến mùa là nó sản sinh ra thành bún như thế này. Và con bún này rất là ngon, trộn ăn rất bổ”.
Trước đây, “bún sông” Cu Đê chủ yếu được người dân dùng trong bữa ăn hằng ngày, xào với tỏi ớt, nấu canh, nhất là trộn gỏi… Cái vị giòn sần sật của bún sông đã trở thành hương vị khó quên với nhiều người dân nơi đây. Gần đây, du lịch vùng sông Cu Đê phát triển, câu chuyện về loài thủy sinh đặc biệt, món ăn độc đáo này được nhiều người biết đến.
Anh Đặng Mai Thanh Minh - Phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng
“Con bún mẹ ngày xưa đến giờ , đến tháng 2 âm lịch là nó sinh ra, sau đó sinh con con. Ngày trước chưa có thông tin báo chí thì người dân làm về họ ăn thôi, họ bán cũng ít giờ nhờ báo chí nó đăng lên thì họ ăn, mùa hè anh thanh nhiệt nó mát, nó ngon lắm, sần sật, chế biến đủ thứ món. Còn về kinh tế thì cũng được, năm nào được mùa, bún nhiều thì người dân họ làm 30 - 40 chục triệu, ít thì 10 - 20 triệu”.
Hiện nay, ngày càng có nhiều du khách, nhất là những người yêu thích trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa đã tìm về vùng sông Cu Đê để tận mắt chứng kiến cảnh vớt bún, tìm hiểu văn hóa sông nước và thưởng thức món ăn “có một không hai”. Với tiềm năng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, “bún sông” Cu Đê hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, gắn kết giữa ẩm thực, thiên nhiên và con người tại Đà Nẵng./.
Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.