TRƯỜNG DẠY LÀM BÁO HUỲNH THÚC KHÁNG - NƠI ƯƠM MẦM HẠT GIỐNG BÁO CHÍ CÁCH MẠNG

08/06/2025 04:49

Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ở Thái Nguyên được xem là một trong những “địa chỉ đỏ” của báo chí cách mạng Việt Nam. Đây là ngôi trường đã góp phần đào tạo những người làm báo cách mạng có nhiều đóng góp tích cực trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Dù thời gian đã lùi xa, nhưng những giá trị, ý nghĩa lịch sử mà ngôi trường này mang lại vẫn vẹn nguyên, là niềm tự hào của bao thế hệ người làm báo Việt Nam.

Nằm bên bờ hồ Núi Cốc thuộc địa phận xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chính là nơi lưu dấu cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên ở nước ta. Đây không chỉ là một ngôi trường mà còn là một phần không thể tách rời của lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Năm 1949, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn khốc liệt. Nhận thấy vai trò quan trọng của đội ngũ nhà báo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức một trường đào tạo cán bộ báo chí ngay tại ATK Thái Nguyên bằng hình thức bí mật cấp tốc. Sáng ngày 04/4/1949, lễ khai giảng lớp đầu tiên của trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được tổ chức tại xóm Bờ Rạ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đây cũng là lớp đầu tiên và duy nhất được mở trong kháng chiến.

Lớp học có 42 học viên, đến từ các báo của Trung ương, quân đội, các ngành, đoàn thể, liên khu, ngành thông tin, văn hóa, văn nghệ… Các học viên tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ 19 đến 25. Các học viên của lớp học - những nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam sau năm 1945 - đã được truyền dạy cách thức làm báo ở trong một môi trường thời chiến vô vàn gian nan.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hằng, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

“Báo chí trong chiến khu Việt Bắc có thể nói rằng đã khích lệ lòng dân, đã kết đoàn và như một cái sức mạnh tinh thần để cổ vũ toàn thân kháng chiến. Dòng báo kháng chiến đó ở trong cái điều kiện rất là khó khăn, phức tạp và gian khổ.”

Nhà báo Phan Hữu Minh, Nguyên Trưởng Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam

“Việc thành lập cái trường này trong điều kiện kháng chiến gian khổ nhưng mà 42 học viên này đều trở thành những nhà báo xuất chúng, những nhà báo có tầm cỡ và sau này cũng góp phần làm nên những cái nòng cốt của báo chí cách mạng Việt Nam, kể cả trong hòa bình sau này.”

Ở vào độ tuổi ngoài 90, nhà báo Lý Thị Trung là một trong ba nữ học viên của trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Bao năm tháng đã trôi qua nhưng những kỷ niệm về thầy dạy, bạn học, những bài học về nghề vẫn tiếp tục được bà truyền lại cho các thế hệ con cháu trong gia đình.

Sau lớp đầu tiên của trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, do điều kiện khó khăn của cuộc kháng chiến, không có lớp học nào được tiếp tục tổ chức. Song, sự nghiệp đào tạo báo chí tại trường Huỳnh Thúc Kháng đã đặt nền móng vững chắc cho nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện đại. Với ý nghĩa lịch sử quan trọng này, Di tích Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia vào năm 2019, góp phần khẳng định và tiếp nối truyền thống đáng tự hào của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Chương trình Thời sự phát sóng lúc 18h30 trên THVL1.