Thời gian gần đây, nhiều hình thức thế chấp tài sản xuất hiện phần nào giúp người dân dễ vay tiền hơn. Bằng lái xe hạng C là một trong những tài sản có thể dùng để vay tiền như thế nhưng nó ẩn chứa nhiều rủi ro cho cả hai bên, người đi vay lẫn người cho vay?
Ai vay? Ai cho vay?
Người có bằng lái xe hạng C được phép lái các loại xe ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng, có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên; máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên và các loại xe thuộc hạng B1, B2. Người đi thi lấy bằng C phải trên 24 tuổi. Như vậy, khách hàng vay tiền bằng bằng lái xe hạng C là những người đã đi làm, có thu nhập nhưng không phải ai cũng ổn định. Chỉ những người làm việc ở các công ty vận tải, logistic thì có thu nhập ổn định, lương được trả qua tài khoản ngân hàng. Còn lại, đa phần đều là người hành nghề tự do, nhận lương công nhật bằng tiền mặt nên khó xác định thu nhập hàng tháng. Một đặc điểm nổi bật khác là người vay tiền bằng bằng lái xe hạng C thường muốn vay gấp, nhận tiền trong ngày, thậm chí là trong giờ.
Hầu hết các tổ chức tín dụng chính thống như các ngân hàng, công ty tài chính hay các chuỗi cầm đồ lớn không cho vay bằng bằng lái xe hạng C. Cụ thể, các ngân hàng sẽ cho vay thế chấp nếu người có bằng lái xe hạng C có xe chính chủ và đồng ý thế chấp chiếc xe hoặc cũng có thể cho vay tín chấp. Dù vay ở hình thức nào, người vay cũng phải chứng minh thu nhập ổn định, nhận lương qua tài khoản ngân hàng và không có nợ xấu. Ngoài ra, thời gian duyệt vay cũng khoảng 5-7 ngày làm việc. Các công ty tài chính thì cho vay tín chấp, cũng bắt chứng minh những điều tương tự nhưng cách làm có giản tiện hơn. Dù vậy, chỉ với bằng lái xe hạng C thì vẫn chưa đủ điều kiện để vay. Các chuỗi cầm đồ lớn như F88 không cho vay bằng bằng lái xe, cũng không nhận cầm cố các loại xe tải nên người vay chỉ có thể vay bằng xe máy hoặc các loại ô tô du lịch hạng nhẹ.
Chỉ có các cửa hàng cầm đồ nhỏ lẻ, một số cá nhân hoạt động cho vay chưa được nhà nước cấp phép mới triển khai dịch vụ cho vay bằng bằng lái xe hạng C nên nhiều người gọi dịch vụ cho vay này bằng cái tên ngắn gọn hơn là cầm bằng lái xe hạng C và đương nhiên, đây là hình thức cho vay tín chấp.
Thủ tục, lãi suất và những rủi ro
Do chỉ có các cửa hàng cầm đồ nhỏ lẻ, những cá nhân hoạt động cho vay chưa được cấp phép nhận cầm bằng lái xe hạng C nên thủ tục cầm cố thực sự rất đơn giản. Hầu hết chỉ yêu cầu người vay có bằng lái xe bản gốc, không bị bôi xoá, thay đổi thông tin và được xác nhận thông qua ứng dụng VIeID của Bộ Công an cùng với căn cước công dân là đã có thể vay tiền.
Số tiền vay được, theo nhiều người phản ánh, là không cao, tối đa là 15-20 triệu đồng nhưng đó cũng chỉ là quảng cáo. Trên thực tế thì 10 triệu đồng cũng là số tiền cao nhất mà một số người có thể nhận được. Thời gian vay thường ngắn, thường là một đến ba tháng và tối đa cũng chỉ sáu tháng, tuỳ hai bên thỏa thuận. Lãi suất khoản vay thì thực sự cao hơn rất nhiều so với lãi suất mà các tổ chức tín dụng chính thống đang áp dụng. Cụ thể, lãi suất tín chấp của các ngân hàng vào khoảng trên dưới 20%/năm, các công ty tài chính thì khoảng 30%-50%/năm tuỳ từng gói vay. Các chuỗi cầm đồ cho vay cầm cố nhưng lãi suất chỉ tương đương các công ty tài chính, từ 35% trở lên và tính theo dư nợ giảm dần. Riêng lãi suất cầm bằng lái xe hạng C mà các tổ chức tín dụng phi chính thống kia áp dụng là tính theo công thức 2.000đ - 3.000đ/triệu/ngày, tương đương khoảng 109% - 155%/năm.
Lý giải về lãi suất cao đó, nhiều người cho rằng cầm bằng lái xe hạng C có nhiều rủi ro. Điều này đúng! Với người đi vay, việc vay dễ, vay nhanh, thậm chí vay trong giờ tiềm ẩn nguy cơ mắc bẫy tín dụng đen và chỉ khi nhận tiền, họ mới biết mình còn phải đóng thêm cả những khoản lãi ẩn, phí ẩn hay lãi thu trước, phí thu trước khác. Còn khi không trả nợ đúng hạn, mọi việc sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của mình và gia đình. Với người cho vay, rủi ro là việc người đi vay có thể báo mất bằng và ra công an xin cấp lại bằng lái xe mới do đó, nếu không có hợp đồng rõ ràng, chặt chẽ thì người cho vay hoá ra lại “nắm đằng chuôi”.
Vì những rủi ro trên, nhiều chuyên gia tài chính khuyên rằng tốt nhất vẫn là tuân thủ các nguyên tắc chi tiêu hợp lý, tránh việc vay tiền một cách bừa bãi và nếu cần vay, cần suy nghĩ thận trọng, tìm hiểu thông tin về đơn vị cho vay, xem xét rõ các điều khoản vay, vay số tiền phù hợp với khả năng chi trả và tốt nhất là cố gắng tìm kiếm các khoản vay từ các tổ chức tín dụng chính thống.