Theo số liệu cập nhật mới nhất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện đang ở mức 388 USD/tấn, cao hơn 10 USD/tấn so với gạo 5% xuất khẩu của Ấn Độ nhưng thấp hơn 10 USD/tấn so với gạo Thái Lan. Với gạo 25% tấm, hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang đứng ở mức 362 USD/tấn, thấp hơn 18 USD/tấn so với gạo Thái Lan và thấp hơn 5 USD/tấn so với gạo Ấn Độ.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 5 tháng năm 2025 đạt 4,5 triệu tấn và 2,34 tỷ USD, tăng 12,2% về khối lượng nhưng giảm 8,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 41,4%. Bờ Biển Ngà và Trung Quốc là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 11,9% và 10,3%.
Trong bối cảnh tình hình thương mại gạo toàn cầu đang có diễn biến phức tạp, theo nhiều người kinh doanh trong ngành gạo cho hay, cùng với thị trường truyền thống, các thị trường ngách đang mở thêm cơ hội cho gạo Việt. Cụ thể, với khoảng 7 triệu người gốc Á, Canada là một trong những thị trường tiêu thụ gạo đầy tiềm năng. Hiện nay, xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường này chiếm chưa tới 2% thị phần, do đó, dư địa thị trường còn rất lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam.
Cùng với Canada, hiện nay 90% lương thực thực phẩm của Singapore là nhập khẩu từ nước ngoài. Riêng với mặt hàng gạo, Việt Nam hiện là nguồn cung gạo đứng thứ 3 tới Singapore chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Singapore tăng trưởng bền vững trong những năm qua. Điều này cho thấy tiềm lực cung cấp và chất lượng gạo Việt Nam đáp ứng với nhu cầu và những tiêu chuẩn khắt khe của Singapore.
Chương trình Thời sự phát sóng lúc 18h30 trên THVL1.