Khám phá Đình Trà Cổ ở Quảng Ninh

28/10/2024 04:19

Truyền Hình Thông Tấn

Thưa quý vị! Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hà Nội hơn 300km, thành phố Móng Cái là một đô thị cửa khẩu sôi động. Tuy nhiên nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị và trở thành điểm đến du lịch tâm linh không thể bỏ qua với nhiều du khách.

Một trong những địa điểm không thể không nhắc tới trong hành trình đến với thành phố này đó là Đình Trà Cổ - ngôi đình có lịch sử hàng trăm năm với lối kiến trúc độc đáo. Sau khi di chuyển đến thành phố Móng Cái, quý vị chỉ cần đi thêm khoảng 8km nữa sẽ ghé thăm được ngôi đình cổ này.

Tọa lạc tại khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, di tích Đình Trà Cổ là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật – Lịch sử văn hóa tiêu biểu cho kiến trúc đình làng Việt Nam. Theo sử sách ghi lại, ngôi đình này được xây dựng từ thời vua Lê Thánh Tông vào năm Quang Thuận thứ 2 (1461).

Ngôi đình có bố cục hình chữ “đinh”, tọa lạc trên một khuôn viên có diện tích 1.000m2. Mái đình hơi võng, lợp ngói mũi hài giống như những ngôi đình của các làng quê Đồng bằng Bắc Bộ. Trải qua thời gian và thăng trầm, qua nhiều lần hư hại rồi được trùng tu, đình vẫn tồn tại và giữ được cơ bản những nét đặc trưng về kiến trúc và điêu khắc như lúc khởi dựng. Đình được xây dựng gồm 5 gian, 2 chái đường và 3 gian hậu cung, với 32 cột đỡ bằng gỗ lim, sơn son thiếp vàng, được kê trên đá tảng.

Ông Nguyễn Quang Cảnh – Ban Quản lý đình Trà Cổ, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh

“Giá trị của đình là được các triều đại xưa sắc phong cho làng này được thờ 6 vị thần. 6 vị này đều có sắc phong cụ thể được lưu giữ trong đình.”

Gắn liền với đình Trà Cổ là lễ hội đình làng Trà Cổ - một trong những Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ các bậc tiền nhân, các vị anh hùng đã có công dựng làng, lập ấp, đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ biên giới, gìn giữ hòa bình cho đất nước. Xưa lễ hội thường diễn ra từ 10 -15 ngày với rất nhiều hoạt động và nghi thức, tuy nhiên nay chỉ còn 4 ngày (từ ngày 30/5 – 3/6 âm lịch) nhưng vẫn giữ được các nghi lễ theo đúng phong tục.

Một trong những nghi lễ chính và cũng là nét văn hóa độc đáo của lễ hội vẫn được duy trì cho đến ngày nay đó là tục thi “Ông Voi”. Để tưởng nhớ những người có công khai phá vùng đất Trà Cổ, trước khi vào lễ hội, làng sẽ họp và chọn ra 12 người gọi là cai đám. Ngoài nhiệm vụ hương khói, dọn dẹp vệ sinh trong đình, các cai đám còn có nhiệm vụ chăm sóc “ông Voi”. Các “ông voi” được chăm sóc với chế độ đặc biệt. Nghi lễ thi ông voi được diễn ra vào ngày 30/5 âm lịch, trước lễ chính 1 ngày. Tục thi ông voi cũng chính là thể hiện ước nguyện về cuộc sống no ấm, đủ đầy của người dân Trà Cổ.

Anh Lê Văn Lợi – Cai đám Khóa 2022-2023, phường Trà Cổ, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh

“Sẽ lựa ra 13 hoặc 15 ông mang về trang trại gần nhà nhờ trang trại gần nhà để nuôi dưỡng đến rằm tháng giêng làm lễ ngoài đình hóa kiếp cho chú lợn bình thường thành ông voi.”

Ông Nghiêm Trọng Luân – Phó Chủ tịch UBND phường Trà Cổ, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh

“Các ông voi chầu thần tại đình, sau 1 đêm lúc nghênh thần về rồi làm lễ an vị cho thần xong thì coi như là ông voi hoàn thành gọi là cái nhiệm kỳ của mình, chức trách của mình.”

Trong ngày chính hội vào 1/6 âm lịch, người dân làng Trà Cổ sẽ tổ chức lễ nghênh thần, rước thần. Đây là nghi lễ quan trọng không thể thiếu. 12 cai đám mới được bầu cho lễ hội năm sau sẽ đảm nhiệm phần khiêng kiệu và cầm lọng đi hai bên. Đám rước sẽ đi từ đình vòng ra biển sau đó quay trở lại đình Trà Cổ.

Đình Trà Cổ và Lễ hội đình Trà Cổ với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây, khẳng định sâu sắc giá trị cột mốc chủ quyền, cột mốc văn hóa nơi biên ải. Việc tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm cũng nhằm bảo tồn, phát huy và tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.