Ông ngoại vẫn hay thường kể về phi vụ xách làn đi sinh nở một mình của mẹ tôi. Mỗi lần ông nhắc lại bố tôi đều cúi mặt rồi cười trừ, dẫu có biết đấy là lời trách cứ của nhà vợ đi chăng nữa, bố tôi cũng chưa từng cảm thấy tự ái vì chuyện này.
Mẹ tôi sinh ra và lớn lên trong tất cả những gì êm đềm nhất. Ông bà ngoại không quá dư dả của cải nhưng có lẽ bởi vậy mà gia đình luôn chan hòa tiếng cười. Mẹ tôi được ông bà nuôi nấng và dạy dỗ đâu vào đấy nên đến tuổi dựng vợ gả chồng thì thanh niên trai tráng làng trên xóm dưới ai cũng muốn rước cho bằng được nàng dâu này về.
Ấy vậy nhưng mẹ tôi lại chọn bố tôi- một thầy giáo ở thành phố nhưng lại xin về dạy ở vùng cao. Từ lúc bước chân vào sự nghiệp trồng người, bố tôi đã lăn lộn không biết bao nhiêu bản làng xa xôi, nơi đám trẻ muốn học được con chữ thậm chí phải băng rừng vượt núi với đầy rẫy những nguy hiểm.
Ngày bố tôi sang hỏi cưới, ông bà ngoại thiết nghĩ gả con gái rượu cho cái anh giáo hiền lành là có lẽ chẳng phải lo lắng nhiều. Ấy vậy nhưng chỉ ba ngày sau khi đồng ý, ông bà ngoại tôi liền hối hận.
Chưa kịp rước dâu, chẳng kịp tổ chức đám cưới thì bố tôi nhận dạy học cho bản làng nghèo xơ xác ở Điện Biên. Đến tận giờ tôi vẫn nghi ngờ mẹ biết thừa chuyện bố đi dạy học xa nhà nhưng cố tình "ỉm" đi để ông bà ngoại đồng ý chuyện hôn nhân của bố mẹ.
Mẹ tôi cứ thế mang quần áo sang nhà chồng.
Phải đến gần 2 năm sau bố tôi mới được về thăm nhà. Vợ chồng son quấn quýt chưa được bao lâu bố tôi lại lên đường. Rồi cứ thế, hai năm thậm chí có khi ba năm bố mới về một lần. Thời gian ở bên nhau không nhiều, mẹ tôi cũng mãi chẳng có tin vui...
Những va vấp giữa nhà chồng và dâu con là điều khó ai mà tránh được. Mẹ tôi cũng không hề phủ nhận chuyện đó, nhưng chưa ai từng nghe thấy chuyện không vui từ trong nhà lọt ra ngoài. Duy chỉ có một bận, họ hàng cứ hỏi mãi về chuyện con cái khiến mẹ tôi đang loay hoay rửa bát phải bật khóc tại chỗ.
Bà nội tuy kiệm lời mà cũng không mấy hài lòng với nàng dâu nhưng thấy người ta nhiều lời thì cứ như gà mái mẹ đứng chống nạnh bênh con dâu chằm chặp. Kể từ đó, chẳng ai dại mà đi chĩa mũi vào nhà tôi nữa.
Phải đến 8 năm sau, trong một lần nghỉ phép dài đợi thuyên chuyển công tác, bố tôi được ở nhà lâu ngày thì tôi mới có mặt trên đời. Tất nhiên, đợi đến lần kế tiếp bố về nhà thì tôi đã bắt đầu lũn cũn đuổi đám gà con trong sân của bà nội rồi.
Cũng bởi vì lo chuyện tôi đi học sau này mà mẹ và bà nội tự cầm giấy tờ ra cơ quan hành chính làm đăng ký kết hôn. Bố tôi lúc đó ở xa nhà nào có biết về mặt pháp lý mình có vợ từ lúc nào đâu.
Tôi có lần hỏi mẹ trong suốt những năm tháng đó, mẹ có buồn không?
"Năm đó mẹ hơn hai mươi, tuổi trẻ mà phải xa chồng thì vừa buồn nhớ vừa tủi. Bà nội và mẹ cũng có lúc chẳng vừa ý nhau nữa chứ. Nhưng mỗi lần như vậy lại nghĩ thương bố mày. Chung quy lại thì nếu không thương bố mày mẹ cũng chẳng phí phạm thanh xuân thế làm gì".
Mãi về sau này, khi tôi 14 tuổi bố mới không phải công tác xa nhà nữa. Bố xin dạy học trường nhỏ gần nhà để được "bám riết" lấy mẹ tôi.
Sáng nay, tôi thấy bố giận dỗi bỏ vào phòng đắp chăn cả nửa ngày chỉ vì mẹ nhất quyết không đồng ý chụp một bộ ảnh kỉ niệm ngày cưới. Mẹ bảo rằng nào có cưới ngày nào đâu mà kỷ với chẳng niệm.
Cuối cùng, tôi đành phải ra tay nịnh nọt mẹ thuận theo ý bố. Mẹ thương con gái nhất nên đành miễn cưỡng gật đầu chứ có vẻ không mấy hứng thú.
Mỗi lần nghĩ đến chữ "thương" mà mẹ nói hôm đó. Tôi chợt nhận ra để duy trì một cuộc hôn nhân có khi cũng chỉ đơn giản như vậy mà thôi. Muôn vàn khó khăn của cuộc sống, đôi khi chỉ vì "thương" nhau rồi cứ thế mà hóa giải được hết.