Niềm vui trên những cây cầu mới.
Niềm vui trên cây cầu mới
Sinh ra và lớn lên ở ấp 6 xã Trần Hợi (Trần Văn Thời, Cà Mau), bà Lâm Thị Rớt vui mừng, xúc động khôn cùng khi nắm tay người bạn già của mình đi trên cây cầu mới có tên T32. Bởi ước mơ có cây cầu mới thay thế cầu cũ gần hết cuộc đời bà nay đã trở thành hiện thực. Nghe tin hôm nay cây cầu chính thức đưa vào sử dụng, bà và nhiều người dân trong ấp 6 đã ra cây cầu từ rất sớm để ngắm, xem cắt băng khánh thành và đi trên cầu để cảm nhận rõ nhịp cầu nối đôi bờ mơ ước.
Bà Lâm Thị Rớt (bên trái) vui mừng khi cùng người bạn già của mình đi trên cây cầu mới có tên T32 trong ngày khánh thành.
"Trời ơi, có cây cầu mới này ai cũng mừng rớt nước mắt, tưởng là không bao giờ có được chứ. Hồi hôm tôi đi tập thể dục thấy đèn sáng trưng luôn. Từ hôm nghe tin sẽ xây cầu mới bà con ở đây ai cũng vui cũng mừng, nhất là mấy em học sinh đi học thuận tiện hơn. Hồi đó cây cầu này nông trường cho, rồi sau nông trường bỏ, rồi ai đâu mà sửa chữa. Có lần tàu đi ngang gầm cầu nó đụng, tưởng sập rồi đó. Rồi Hội phụ nữ và các mạnh thường quân xuống cho cầu, còn lắp đèn nữa nên mừng lắm", cô Rớt phấn khởi cho hay.
Bà con vui mừng khi cây cầu được khánh thành.
Tương tự, tại ấp Bình Minh II, xã Trần Hợi (Trần Văn Thời, Cà Mau), ngày cây cầu Kênh Độc Lập được khánh thành, người dân ở đây vui như ngày hội. Dù thời gian khánh thành rơi vào sát buổi trưa nhưng các cụ già, trẻ nhỏ, bà con xung quanh liên tục đi qua đi lại trên cầu, ngắm nghía, vỗ tay. Có lẽ, họ vui mừng cho mình phần ít mà vui mừng cho thế hệ sau phần nhiều. Từ nay, các em học sinh mạnh dạn bước đi trên cầu bê tông kiên cố, sừng sững. Những cầu tre, ván gỗ tạm bợ đang dần được thay thế. Đoạn đường đến trường giảm bớt nỗi lo tai nạn sông nước. Các em tiếp tục hành trình theo đuổi tri thức, hướng đến tương lai tươi sáng hơn.
Nhiều trẻ em ở xã Trần Hợi qua sông bằng những chiếc bè tạm bợ đầy nguy hiểm.
Ông Lê Chiến Lũy, Phó Chủ tịch UBND xã trần Hợi (Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết: "Người dân địa phương di chuyển chủ yếu bằng đường thủy, kết cấu hạ tầng của xã còn thấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, các cấp ngành và các mạnh thường quân đã đầu tư, hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn, cầu nông thôn, góp phần tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân và các em học sinh dễ dàng hơn. Tuy nhiên, do đặc thù của xã có nhiều kênh rạch, cần nhiều cầu để nối liền xóm, ấp nhưng ngân sách Nhà nước còn có hạn, do đó rất cần sự chung tay, góp sức của các mạnh thường quân. Vậy nên, khi có được những cây cầu mới, bà con nơi đây rất phấn khởi".
Nối nhịp yêu thương
Đặc điểm địa hình của xã Trần Hợi có nhiều kênh rạch, nên nhiều xóm ấp nằm ép mình trong những rặng dừa, bị chia cách bởi hệ thống đường sá chưa hoàn thiện. Hàng ngày, để di chuyển đến trường hay đi sang hàng xóm chơi, nhiều em nhỏ phải đi tạm trên những cây cầu cũ hoặc những chiếc thuyền tự chế tự kéo bằng tay để qua kênh nhỏ. Người lớn thì miệt mài vượt qua những thanh gỗ lắt léo để mưu sinh hay đưa con em đến trường.
Tặng quà cho phụ nữ và trẻ em nghèo.
Thấu hiểu được nỗi vất vả của người dân và trẻ em nơi đây, Ban công tác phía Nam (Hội LHPN Việt Nam) phối hợp với chính quyền địa phương tìm kiếm, kết nối để xây dựng 3 cây cầu giao thông nông thôn trên địa bàn xã Trần Hợi gồm: Cầu T32, cầu Độc Lập và cầu Kênh Chống Mỹ. Tổng kinh phí xây dựng 3 cây cầu khoảng 700 triệu đồng. Trong đó, "Quỹ Bàn tay ấm" nhà hàng Khải Phương (TPHCM) tài trợ 600 triệu đồng, còn lại là đối ứng của địa phương và mạnh thường quân khác chung tay hỗ trợ.
Tặng quà cho phụ nữ nghèo.
Sau 6 tháng khảo sát và thi công, ngày 15/6, cả 3 cây cầu chính thức được khánh thành. Buổi khánh thành có sự tham dự của Ban công tác phía Nam (Hội LHPN Việt Nam), Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh Cà Mau cùng các mạnh thường quân.
Nhân dịp này, Ban công tác phía Nam (Hội LHPN Việt Nam) còn tổ chức chương trình "Triệu phần quà san sẻ yêu thương" năm 2022, để chăm lo, chia sẻ với phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau". Bên cạnh tặng 3 cây cầu giao thông nông thôn, hệ thống đèn năng lượng mặt trời, Ban công tác phía Nam (Hội LHPN Việt Nam) còn tặng quà cho 100 hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, tặng áo trắng, áo phao, ba lô, quà cho 50 học sinh nghèo hiếu học. Tổng kinh phí của chương trình trao tặng cầu và quà hơn 1 tỷ đồng.
Bà Đỗ Thị Diệu Tâm, Phó Trưởng Ban công tác phía Nam (Hội LHPN Việt Nam) tặng quà cho trẻ em tại xã Trần Hợi.
Là một trong những nhà tài trợ cho chương trình, bà Nguyễn Thị Hồng Quế, đại diện "Quỹ Bàn tay ấm" nhà hàng Khải Phương chia sẻ: "Mình rất vui và hạnh phúc khi chia sẻ được phần nào những khó khăn với bà con ở xã Trần Hợi. Quỹ Bàn tay ấm rất ưu tiên cho trẻ em, người cao tuổi và đặc biệt là phụ nữ. Mình muốn hướng tới những trẻ em vùng khó khăn nhằm tạo điều kiện cho các em tới trường, được tiếp cận với văn hóa, giáo dục, để cho tương lai của các em tươi sáng hơn".
Lễ cắt băng khánh thành cầu T32.
Luật sư Nguyễn Thị Phi Điệp, dù đã gần 70 tuổi nhưng vẫn lặn lội theo ghe của đoàn tới khánh thành cầu và thăm bà con. Bà chia sẻ: "Tôi ủng hộ phần nhỏ để lắp đèn chiếu sáng cho các cây cầu, tôi nghĩ chỗ nào khó khăn mình giúp được là cứ giúp chứ không riêng già Cà Mau. Công mình bỏ ra nhỏ bé lắm, như muối bỏ biển thôi. Bà con vùng sâu vùng xa số đông còn khổ sở, cần thêm nhiều cây cầu để đi lại".
Bà Trần Thị Huyền Thanh, Trưởng Ban công tác phía Nam (Hội LHPN Việt Nam) cho biết: Đây là chương trình nối những nhịp cầu và cũng nối nhịp yêu thương. Mong rằng, khi bà con đi qua sẽ nhớ rằng tình yêu thương là "chất liệu" chính làm nên những cây cầu này. Mong rằng, chương trình còn nối nhịp cho những cây cầu khác để có thêm nhiều mạnh thường quân tham gia đồng hành, chia sẻ khó khăn với bà con ở đây.