Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi): Tiền kiểm kết hợp với hậu kiểm với phim trên mạng

19/09/2024 07:04

dsc-4965-16552879774581212001234-204-302

Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết chiều 15/6

Chiều 15/06, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) với 449/467 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Đối với nội dung còn ý kiến khác nhau về phổ biến phim trên không gian mạng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cho rằng tiền kiểm kết hợp với hậu kiểm là phù hợp. Căn cứ đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung, chỉnh lý và quy định các biện pháp quản lý bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình, điều kiện Việt Nam hiện nay và xu thế chung của thế giới, bảo đảm việc kiểm soát chặt chẽ nội dung phim, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm như dự thảo Luật.

Liên quan đến quy định về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Kết quả phiếu xin ý kiến cho thấy, đa số đại biểu Quốc hội lựa chọn phương án: Kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt. Căn cứ ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, quy định như dự thảo Luật.

dsc4938-1-1655288132474472180935.jpeg

Các vị đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Về ý kiến băn khoăn quy định của dự thảo luật có đảm bảo được sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp phổ biến phim trong nước và doanh nghiệp phổ biến phim nước ngoài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở đảm bảo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài trong kinh doanh theo từng hình thức phổ biến phim. Cụ thể, khi phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim và địa điểm chiếu phim công cộng, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đều phải xin cấp giấy phép phân loại phim. Khi phổ biến phim trên hệ thống truyền hình đều phải có quyết định phát sóng của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình. Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng đều phải có trách nhiệm phân loại phim theo độ tuổi người xem, hiển thị cảnh báo và tuân thủ các quy định của Luật điện ảnh (sửa đổi). Thống nhất một tiêu chí phân loại phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim.

Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 8 chương, 50 điều, quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh với nhiều quy định mới mang tính đột phá về chính sách của Nhà nước phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; về phát triển nguồn nhân lực điện ảnh; phổ biến phim trên không gian mạng; quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh…

(Theo: http://phunuvietnam.vn/quoc-hoi-thong-qua-luat-dien-anh-sua-doi-tien-kiem-ket-hop-voi-hau-kiem-voi-phim-tren-mang-2022061517180117.htm)