Truyền Hình – Báo Tuổi Trẻ
Mặc dù trường học cách xa nhà cả chục cây số, lại không có đường bộ, nhưng hàng ngày nhiều gia đình ở Cà Mau vẫn kiên trì thức khuya dậy sớm đưa con đi học bằng vỏ lãi. Câu chuyện vượt sóng đi tìm con chữ trong phóng sự sau đây cho thấy khát vọng học để tương lai tốt đẹp hơn của nhiều gia đình ở miền cực Nam của tổ quốc.
Người dân ở đây cất nhà dọc hai bên kênh, không có đường giao thông. Việc đi lại của họ hàng ngày bằng vỏ lãi.
5h sáng, anh Tạ Hoàng Bảo ở xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau đã thức dậy để chuẩn bị đưa con đến trường. Trường tiểu học nơi con anh học cách nhà hơn 5km, nhưng phải đi bằng đường thủy rất vất vả.
Hơn 4h30’ sáng, Thái Vân Anh, học sinh lớp 5 Trường tiểu học 2 xã Đất Mũi bật dậy chuẩn bị những thứ cần thiết cho một ngày đi học.
Em Thái Vân Anh - Học sinh Trường Tiểu học 2 xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau
“Con thức hồi 4 gờ mấy thức xong con thay đồ rồi con cột tóc, xong con chuẩn bị đi học con chuẩn bị tập sổ viết rồi con đi lại bến đợi đò đi…”.
Hầu hết, học sinh của Trường Tiểu học 2 xã Đất Mũi phải đi học bằng đò hoặc vỏ lãi. Dù đi lại khó khăn, nhất là những lúc mưa bão, nhưng cha mẹ các em không để con mình vắng một buổi học nào.
Anh Tạ Hoàng Bảo - Xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau
“Khi nước cạn các em học sinh đến trường không lên được bờ thì cha mẹ học sinh phải cõng các em lên đến bờ. Điều kiện trời mưa thì càng vất vả hơn do không có được tuyến lộ nên mong các em có được tuyến lộ để đi đứng được dễ dàng hơn…”.
Nhà chị Huỳnh Bích Ngọc ở cách Trường Tiểu học 2 xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển khoảng 7km đi bằng đường thủy, nhưng mỗi ngày chị phải tốn khoảng 10 tiếng đồng hồ để đưa con gái đi học và chờ đón con về. Do nhà ở trong rạch nhỏ nên hàng ngày chồng chị phải đưa vợ con ra sông lớn để đón đò đi tiếp. Mỗi ngày tiền đò, tiền ăn sáng và ăn trưa của hai mẹ con chị Ngọc hơn 160.000 đồng. Dù tốn tiền đi lại và phải bỏ công lao động để đưa đón con, nhưng vợ chồng vẫn chấp nhận bởi vì muốn con có tương lai tươi sáng hơn.
Chị Huỳnh Bích Ngọc - Xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau
“4h là mình thức chuẩn bị rồi lên trường, lên trường khoảng 5h vậy rồi cho con ăn uống đồ rồi con vô lớp học, một tuần học cỡ 3 ngày 2 buổi nên mình dẫn theo nó để chăm sóc này kia. Tập cho nó thói quen…”
Nhiều phụ huynh vùng sông nước Cà Mau phải đưa con đến trường theo con nước. Cực nhất là ngày nước ròng sát đáy sông. Cha mẹ phải lội sình cõng con đưa lên bờ.
Chỉ tính riêng huyện Ngọc Hiển đã có 27 trường ở các bậc học mầm non, tiểu học và THCS với 1.600 học sinh đi học bằng phương tiện thủy. Nhiều người vì nhà xa, hoàn cảnh khó khăn phải ở lại trường học chờ đón con về.
Bà Phạm Thị Quyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học 2 Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau
“240 em đi học bằng đò, quảng đường mấy em đi xa nhất là 17 cây, thực tế thì có những em đi quãng đường xa như vậy đi về tới 60.000 đồng tiền xăng. Kinh tế của người dân nơi đây thì gặp nhiều khó khăn, đa số ông bà cô bác đưa đi học, cha mẹ thì một số đi Bình Dương hoặc Đồng Nai làm công nhân kiếm tiền đưa cho con đi học…”.
Con đường đến trường tìm con chữ của các em học sinh vùng sâu vùng xa tỉnh Cà Mau chòng chành, gian truân như những con nước lớn ròng. “Đi học cùng con” là hình ảnh rất phổ biến ở những vùng sông nước Cà Mau. Vì tương lai của các con, họ chấp nhận tốn kém nhiều tiền bạc, thời gian, công sức và cả những hiểm nguy sông nước rình rập để cùng con đến trường đều đặn mỗi ngày. Những hình ảnh này cho thấy khát vọng đổi đời bằng con chữ của người dân nơi đây mãnh liệt đến nhường nào!
Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.