Cơn sốt giá xăng chưa thể cắt khi hàng loạt thuế, phí vẫn ghì chặt trên lưng

25/11/2024 11:36

Câu chuyện giá xăng liên tục lập đỉnh những tháng qua vẫn chưa có hồi kết khi giá xăng thế giới tiếp tục tăng. Trong khi đó, các loại thuế, phí đang chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu xăng dầu khiến mặt hàng này càng trở nên đắt đỏ so với nhiều quốc gia.

Giá xăng Việt Nam cao hơn nhiều nước lớn, vì đâu?

Theo số liệu của Global Petro Price cập nhật mới nhất vào ngày 6/6, tại khu vực Đông Nam Á, giá xăng của Việt Nam là 1,38 USD/lít thấp hơn giá xăng một số nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Philippines, Lào và Singapore. 

Ngược lại, giá xăng của Việt Nam cao hơn giá xăng tại Malaysia là 0,46 USD/lít và Indonesia 1,2 USD/lít.

Đáng chú ý, khi so với các nước phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản... giá xăng ở Việt Nam cũng cao hơn. Cụ thể, giá xăng ở Mỹ theo khảo sát của Global Petrol Price ở thời điểm nói trên có giá là 1,33 USD và Nhật Bản là 1,24 USD.

Bộ Công Thương nhận định nguyên tắc chung, các nước giàu hơn có giá xăng dầu cao hơn; còn các nước nghèo hơn và các nước sản xuất và xuất khẩu dầu có giá thấp hơn đáng kể. Sự khác biệt về giá giữa các quốc gia chủ yếu là do các loại thuế và trợ cấp xăng dầu khác nhau. Tất cả quốc gia đều được tiếp cận với giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế nhưng sau đó quyết định áp các loại thuế khác nhau. 

3082896317cfd7918ede-2022061313442113.jp

 (Nguồn: Bộ Công Thương. Đồ họa: Alex Chu)

Tại Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết trong cơ cấu giá xăng hiện nay của Việt Nam, các loại thuế, phí chiếm khoảng 30-32%, tương đương 10.000 - 11.000 đồng/lít gồm thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế bảo vệ môi trường 1.000-2.000 đồng/lít.... 

Ngoài ra, còn có thêm các chi phí khác như chi phí vận chuyển, định mức kinh doanh, lợi nhuận định mức,... dẫn đến giá xăng dầu trong nước ở mức cao so với nhiều nước.

Như vậy nếu không có thuế phí thì giá xăng của Việt Nam sẽ khoảng 20.000 đồng/lít (so với giá xăng hiện nay vào khoảng 31.000 đồng/lit), tương đương 0,86 USD/lit.

Trong khi đó, Malaysia là nước sản xuất xăng dầu lớn và xuất khẩu xăng dầu.Tại Malaysia, Nhà nước không đánh các loại thuế đối với xăng dầu tiêu thụ trong nước và đồng thời Chính phủ có chính sách trợ giá đối với xăng dầu tiêu thụ trong nước cho người dân.

Cụ thể, Chính phủ Malaysia đang trợ giá 1,65 Ringgit Malaysia (RM), tương đương 0,4 USD cho mỗi lít xăng RON95 và 1,85 RM tương đương 0,45 USD cho mỗi lít dầu diesel. 

Báo Công Thương dẫn báo cáo nghiên cứu của CGS – CIMB và The Star cho biết ước tính, giá dầu tăng 1 USD/thùng (tương đương 4,18 RM) thì chính phủ Malaysia sẽ phải chi ra thêm 80 triệu RM (18 triệu USD) tiền trợ cấp nhiên liệu để giữ giá xăng RON95 lần lượt là 2,05 RM (0,47 USD) và 2,15 RM/lít (0,49 USD). 

Như vậy, nếu không được trợ giá và không áp các loại thuế, giá xăng RON95 tại Malaysia sẽ là 0,87 USD/lít, tương đương giá xăng tại Việt Nam là khoảng 0,86 USD/lít, nếu bỏ các loại thuế phí.

Điều này đồng nghĩa, giả sử xăng Việt Nam không phải gánh nhiều loại thuế, phí như hiện nay thì thực tế mặt hàng này sẽ thuộc nhóm rẻ trong khu vực và thế giới, khi xếp ngang hàng với giá xăng Malaysia.

Giá xăng dự báo sẽ lại lập đỉnh mới

Tính từ đầu năm tới nay, trong tổng số 14 kỳ điều hành giá có tới 11 lần giá xăng dầu tăng, chỉ 3 lần giảm. Giá xăng trong nước từ đầu năm đến nay đã tăng 7.580 - 7.690 đồng/lít. Còn tính trong 2 năm qua, giá xăng trong nước đã tăng tới hơn 20.000 đồng/lít.

Trong kỳ điều chỉnh gần nhất của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá bán lẻ xăng trong nước tăng thêm hơn 920 đồng/lít, đưa giá xăng RON 95 lên mức cao nhất lịch sử là 31.578 đồng/lít. 

xang-16-20220602162238514.png?width=617

   Nguồn: Bộ Công Thương. 

Kỳ điều chỉnh tiếp theo sẽ rơi vào thứ Hai (13/6), theo dự báo nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu, mỗi lít xăng trong nước có thể tăng thêm khoảng 700 - 1.000 đồng/lít, báo Tiền phong đưa tin.

Bởi trên thị trường thế giới, trong gần 10 ngày qua, giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh. Giá dầu thô Brent trong ngày 8/6 đã vọt lên gần 124 USD/thùng, mức cao nhất 13 tuần qua. Giá dầu Brent vào ngày 10/6 giảm nhẹ về mức 122 USD/thùng. 

Theo đó, giá xăng RON 95 dự báo có thể vượt 32.000 đồng/lít. Còn giá dầu diesel trong kỳ điều chỉnh ngày 13/6 sẽ tăng mạnh trên dưới 2.000 đồng/lít. 

Như vậy, khả năng người tiêu dùng sẽ tiếp tục chi tiêu ngày càng nhiều cho mặt hàng thiết yếu xăng dầu khi đà tăng giá vẫn tiếp diễn và các loại thuế, phí vẫn đè nặng lên giá xăng hàng ngày.

Giá xăng tăng liên tục, cấp tập tìm cách kìm hãm

Trên phạm vi quốc tế, nhiều nước cũng đã bắt đầu có các chính sách để hạ nhiệt giá xăng dầu. Điển hình, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần tuyên bố sẽ tìm mọi cách để giảm giá xăng, đồng thời xả kho dự trữ quốc gia, tìm thêm nguồn cung mới...

Chính phủ Hà Lan đã giảm 12% thuế giá trị gia tăng với năng lượng, xuống còn 9%; mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu cũng giảm 21%. Ngoài ra, Hà Lan cũng vừa thông báo sẽ tăng khoản trợ cấp năng lượng một lần cho các gia đình có thu nhập thấp lên gấp 4 lần, từ 200 euro lên 800 euro.

Giảm thuế cũng là cách mà Thái Lan đang chọn để kìm đà tăng của giá xăng dầu khi Chính phủ quyết định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel trong 3 tháng, về mức 3 baht một lít (tương đương mức giảm 2,99 baht mỗi lít dầu, tức khoảng 50%).

Ngoài ra, Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai châu Á, cũng thực hiện cắt giảm thuế đối với xăng và dầu diesel từ tháng 11/2021 để đạt được mức giá dầu ổn định, trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng đã giảm 5 rupee (0,06 USD)/lít và 10 rupee (0,13 USD) mỗi lít đối với dầu diesel.

Tại Việt Nam, việc giá xăng dầu liên tục tăng cao đã khiến chi tiêu của người tiêu dùng gặp không ít khó khăn vì đây là mặt hàng thiết yếu và tác động nhiều đến các loại hàng hóa khác. Do đó, đã có không ít các ý kiến, giải pháp được đưa ra với mục đích nhanh chóng kìm hãm đà tăng của mặt hàng này, trong đó có những đề xuất về giảm thuế.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ đầu tháng 6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, tới đây bộ này sẽ cùng Bộ Tài chính rà soát, đề xuất để giảm tiếp một số loại thuế.

Hiện thuế bảo vệ môi trường đã giảm 50% từ 1/4 đến hết năm. Với các loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu… Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng các thuế này thuộc thẩm quyền Quốc hội. Do vậy trước mắt Bộ sẽ đánh giá tác động, báo cáo Chính phủ để trình Uỷ ban Thường vụ trình Quốc hội, để có thể giảm thuế, giảm giá xăng dầu. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, ngoài giảm thuế thì cũng phải thực hiện chính sách đồng bộ khác, bởi nếu chỉ giảm thuế thì không cẩn thận sẽ bị “chảy” ra nước ngoài. Đồng thời phải đẩy mạnh sản xuất trong nước lên vì có nhà máy Nghi Sơn hiện sản lượng rất thấp, có những giai đoạn còn dừng lại.

Ngoài ra, ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Tài chính cho hay Bộ này đang xin ý kiến các bộ, ngành sửa đổi Nghị định về biểu thuế xuất nhập khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng từ 20% xuống 12%, việc này sẽ đa dạng hoá nguồn cung xăng dầu. 

Bên cạnh giải pháp giảm thuế, theo lãnh đạo Bộ Công thương cần sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động giá của thế giới.

(Theo: http://vietnambiz.vn/gia-xang-viet-nam-tang-lien-tuc-van-re-hon-trung-quoc-han-quoc-thai-lan-phep-so-sanh-lieu-da-chuan-20226216125904.htm)