Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên nhắc đến câu nói "mượn gió bẻ măng" hay đọc chệch đi là "thừa gió bẻ măng", "nhờ gió bẻ măng", "lựa gió bẻ măng".
Câu nói này có nghĩa là mượn tay ai đó để làm một hành động xấu xa. Đó có thể là việc dùng danh tiếng, quyền lực, tiền bạc để hãm hại người khác. Trên thương trường luôn có những trường hợp như vậy diễn ra khiến nhiều người bị tổn hại về kinh tế và tinh thần. Hành động này bị lên án gay gắt nhưng nó không ảnh hưởng nhiều đến người nắm danh vọng, tiền tài trong tay. Ngược lại, những người bị hại đành ngậm ngùi cam chịu, "ngậm bồ hòn làm ngọt" bỏ qua cho êm chuyện.
"Mượn gió bẻ măng" chỉ kẻ tiểu nhân mượn cơ hội để trục lợi cho mình. (Ảnh minh hoạ)
Nhiều người đã giải thích nghĩa đen của câu thành ngữ này là "lợi dụng sức gió để bẻ măng". Thực tế không đơn giản như vậy. Theo Việt Nam tự điển của tác giả Lê Văn Đức, "mượn gió bẻ măng" vốn là "thừa gió bẻ măng". Tư liệu này giảng giải như sau: "Thừa gió bẻ măng: Nhân trời nổi dông, cát bay mù mịt, nhà nhà đều đóng cửa, kẻ gian đi bẻ măng trộm mà không sợ bị bắt. (Ở miền Trung có lệnh cấm bẻ măng để dưỡng tre vì là nơi gần biển, gió to, cát nhiều)".
Như vậy, "mượn gió bẻ măng" vốn bắt nguồn từ việc lợi dụng khi gió to, mọi người không ra ngoài được nên xuất hiện kẻ xấu bẻ trộm măng. Việc bẻ trộm măng liên quan đến lệnh cấm bẻ măng để giữ tre, chắn gió và cát.
Qua câu nói trên ta càng thấy Tiếng Việt thật giàu đẹp và phong phú. Từ một hiện tượng trong xã hội xưa, ông cha ta đã ví von với hành vi xấu, đáng lên án, gây bất lợi cho người khác. Quả đúng là "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam". Để có thể hiểu nguồn gốc, ý nghĩa ca dao, thành ngữ, tục ngữ, chúng ta phải bỏ nhiều thời gian dày công nghiên cứu.
Ngoài ra, một số câu nói đồng nghĩa với "mượn gió bẻ măng" là:
Thừa nước đục thả câu: Chỉ hành động trục lợi khi người khác đang gặp khó khăn, hiểm hoạ. Câu tục ngữ mang tính chất phê phán những người lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người khác, lợi dụng đặc điểm của người khác để cầu lợi cho bản thân.
Tát nước theo mưa: Kẻ ăn theo, lợi dụng lúc thuận lợi thì hùa vào để chia phần, kể công.
Theo đóm ăn tàn: Kẻ chuyên nịnh bợ dù hưởng lợi không là bao. Kẻ thích hùa theo, a dua để mong kiếm chác lợi lộc.